Vài Hình Ảnh & Bài Viết

Nhạc Sĩ Duy Cường : Tôi là một ẩn sĩ



(Mai Anh)

Duy Cường ngồi đối diện tôi, khuôn mặt gầy gò, trầm lắng. Đôi mắt anh vẫn hay hướng về một nơi nào đó, nhưng khi trò chuyện đôi mắt ấy lại hướng thẳng về phía người đối thoại với cái nhìn khích lệ. Cuộc chuyện trò giữa tôi và Duy Cường diễn ra tại một quán cà phê khá yên tĩnh. Chiều đang nhạt dần…


“Nốt nhạc” thầm lặng



Anh không thích tôi sử dụng máy ghi âm: “đừng đặt nặng vấn đề phỏng vấn, chúng ta hãy xem như một cuộc chuyện trò”. Trông anh cứ như người luôn có sẵn những luật lệ cho riêng mình, như kiểu mỗi ngày anh uống 2 cữ cà phê vào khoảng 8g và 16g. Anh thừa nhận: “Tính tôi cẩn thận. Khi đàn cũng phải đàn đúng cây đàn của mình”. Nếp làm việc “đâu ra đấy” ảnh hưởng đến cả cuộc sống của Duy Cường, như cách anh nói: “sống có tổ chức”. Có lẽ thế, nên dù là người “nhạy cảm, dễ mủi lòng”, anh vẫn cho rằng mình “biết dừng lại”.





















Lối làm việc của Duy Cường không phải là lúc nào cũng ngồi vào đàn. Xem một bản nhạc, nghiền ngẫm chúng, cũng là lúc Duy Cường tìm đọc những suy nghĩ do người nhạc sĩ viết ra. Đọc, suy nghĩ nên làm như thế nào? Soạn theo phong cách nào? Đầu óc anh lúc nào cũng bận rộn mãi cho đến khi hoàn thành (như cách người ta vẫn nói: “thai nghén” một bản nhạc).

Một thính giả khi nghe một trong những CD do chính Duy Cường phổ nhạc đã cảm nhận thế này: “Chiều chủ nhật nhân lúc rảnh, tôi lấy CD Người con gái trong tranh của Hoàng Thị Bích Ngọc ra nghe lại. Say sưa với những ca từ đẹp và nhẹ như tơ uốn lượn bềnh bồng trên cung điệu réo rắt của violin, tôi thấy mình chơi vơi trong lòng chảo âm sắc độc đáo đầy tính sáng tạo trong lối hoà âm và phối khí của Duy Cường”. Lên sân khấu đánh đàn từ lúc 13 tuổi, khi ấy người nhà phải kê thêm cho Duy Cường cái kệ dưới chân để đứng đánh đàn cho vừa. Và cũng từ ấy, việc soạn hòa âm đã là ước mơ nhen nhóm trong anh. Việc đầu tiên khi anh sang Mỹ là đi “tìm một ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình”. Và dần dà, người ta không những được nghe “ngôn ngữ âm nhạc” ấy, mà còn nghe tác phẩm của chính Duy Cường, cảm nhận cá tính của anh, con người của anh. “Vì âm nhạc là tình cảm, những tình cảm phản ánh từng quãng đời của mình!” – Duy Cường chậm rãi cho biết.





















Duy Cường có một trang web riêng( http://www.duycuong.com/ [nay là http://hoaamduycuong.blogspot.com]). Tôi cứ tưởng vào đấy sẽ có đầy đủ tư liệu về anh, ít ra cũng phải có đôi dòng “tự bạch”, nhưng tất cả đơn giản đến không ngờ: chỉ là những tít, tựa sản phẩm âm nhạc anh đã làm. Hơn 30 năm theo nghề nhạc, nhiều người gọi anh là nhạc sĩ, nhà hòa âm và ca sĩ. Còn anh thì… chẳng nhớ mình đã từng hòa âm bao nhiêu nhạc phẩm. Anh cứ như một ẩn sĩ, lặng lẽ sau lưng cha, sau lưng anh em để làm “đầy” hơn cho những bản nhạc. Lướt qua bìa băng đĩa, có thể khán thính giả cũng vô tình lướt qua cái tên của người hòa âm, nhưng giới trong nghề thì ai cũng biết Duy Cường. Nhạc sĩ Phạm Duy từng kể: tính ông vô tư, mỗi lần sáng tác xong là xem như… vứt vào sọt rác những gì đã viết. Không phải ông không trân trọng những gì mình đã làm, nhưng đó là kiểu nói của Phạm Duy cho những sáng tác mới của ông: không muốn lặp lại chính mình. Duy Cường thì không “vô tư” bằng cha anh, nhưng sáng tác xong là anh cũng… quên ngay. Quên cái cũ để cái mới được “mới” hơn. Và trên từng cung - nhạc - sự - nghiệp, Duy Cường cứ mãi đi tìm tòi với những sáng tạo không mệt mỏi. Như hồi làm minh hoạ Truyện Kiều cho nhạc sĩ Phạm Duy, Duy Cường đã về Việt Nam lấy mẫu âm thanh của hầu hết các nhạc cụ dân tộc để soạn hòa âm trên nền của sự kết hợp âm nhạc Đông – Tây.

30.4 ngày ấy… bây giờ…

“Trước kia anh cũng ốm thế này à?” Tôi hỏi. “Tôi giống bên ngoại: gầy”, anh nheo nheo mắt trả lời. Như sợ tôi quên, anh nhắc đi nhắc lại quan điểm của mình: “Tôi chỉ là một người làm âm nhạc, tôi không thích bàn về vấn đề chính trị”.


Anh bỗng dừng lại như đang nhớ về một điều gì, ánh mắt như trở nên tối hơn, giọng nói cũng thành nhẹ hẫng: “Ngày 28.04.1975, bố mẹ tôi cùng Thái Hiền, Thái Thảo đi (di tản – NV). Lẽ ra ngày 29 thì tôi và anh em còn lại cũng đi, nhưng tối 28 pháo kích dữ dội. Thế là kẹt lại. Mãi đến 3 năm sau tôi mới vượt biên. Những ngày trên biển là những ấn tượng hãi hùng. Ngày tôi đi, bão cấp 8. Thuyền chao như cánh võng. Từ người lớn tới trẻ nhỏ đều ói, hết biết gì. Lẽ ra chỉ 2 ngày là tới nhưng đoàn chúng tôi đi lạc phải sau 8 ngày mới đến trại tị nạn ở Malaysia. Tháng 3.1979 tôi mới đặt chân đến Mỹ. Phải đến 2,3 năm sau tôi mới ổn định được tâm lý. Những giấc mơ về Sài Gòn và ấn tượng không dám ra biển mãi sau này mới nguôi dần…”.



Góc quán cà phê nơi chúng tôi ngồi hướng nhìn xuống đoạn đường Hai Bà Trưng. Khoát tay chỉ xuống lòng đường, anh kể: “Năm 1992, tôi về lại Sài Gòn lần đầu tiên. Cảm giác lạ lắm! Trên chuyến bay đêm, nhìn xuống thấy cái gì cũng nhỏ xíu, thấy thương… Chạy xe trên đoạn đường này, mình bỗng nhận ra, cái gì của mình, mình vẫn yêu nhất, dù cho nó có nhỏ bé…”.

Nhìn, nghe Duy Cường hồi tưởng lại những giờ phút đen tối trên biển mà mạng sống con người không bằng hạt cát ấy, tôi không dám lên tiếng, cứ sợ tiếng nói của mình sẽ trở nên tiếng mõ đêm lạc lõng vô duyên. “Nhưng nếu chia đời tôi ra thành 3 quãng: Trước khi sang Mỹ, thời gian sống tại Mỹ và hiện nay thì tất cả những khoảng thời gian ấy đã bổ sung cho nhau, trở thành hành trang của tôi”, Duy Cường cười nhẹ và tiếp lời – “vui có, buồn cũng có nhưng quan trọng là tôi học được nhiều thứ. Đôi khi tôi cũng gặp sự hối tiếc trong cuộc sống, nhưng tôi đều cố gắng làm lại cho tốt hơn, để không phải ăn năn với chính mình”.
























"Tôi là một nhạc sĩ VN, làm nhạc cho người VN và tâm hồn luôn trụ ở VN"



“Hòa âm là tổ chức cho một bài hát. Tôi hy vọng mình sẽ góp sức cho âm nhạc VN giàu đẹp hơn. Giá cả ư? Ông bà mình bảo “nhập gia tùy tục”, tôi cũng “liệu cơm gắp mắm” khi làm việc ở đây thôi. Tôi luôn tin ở sự công bình: một sự công bình giữa cung và cầu”. Và ẩn sâu trong Duy Cường đó là tâm niệm của anh: "Tôi là một nhạc sĩ VN, làm nhạc cho người VN và tâm hồn luôn trụ ở VN chứ không vọng ngoại". Về VN lần này, Duy Cường hy vọng sống một đời sống mới – một đời sống của sự thanh thản: “Con người sống cũng chỉ có trăm năm thôi. Buồn phiền để làm gì? Bỏ đi những đúng, sai sẽ thấy được những cái mình cần. Hạnh phúc là gì ư? Một cuộc sống bình an, không bị dao động bởi những thị phi”. Anh bảo: “Tôi cũng bình thường như mọi người thôi. Phải an cư thì mới lạc nghiệp”. Hoàng hôn đang tan cùng ước mơ rất bình thường của một người ẩn sĩ…

Nguồn: Người Viễn Xứ



Vài Hình Ảnh















































































































































***

Trích đoạn cảm nghĩ về nhạc Duy Cường trên website dactrung.net:

Tôi đi Mỹ đoàn tụ mà không hề hay biết tân nhạc vn trước 75 ra sao ...

Qua bên này nửa năm đầu rất nhớ saigon, phải đi học xe bus hàng ngày, ht có cái cassette nhỏ nghe nhạc để giết thời gian, một hôm nghe được một bài hát thực hay do Khánh Hà hát là bài Phù Du. Lênh đênh cành hoa trôi, ... Quái lạ, các yếu tố của một ban nhạc tây phương đều có đó, trống, bass, acoustic guitar, synthesizer, etc, nhưng cái cách phối này dễ nghe và đi vào lòng người chi lạ, làm mình nhớ saigon da diết. Thế là ht biết Duy Cường từ dạo đó. Tới nay đã hơn 10 năm, âm thầm dõi theo từng CD mà anh cho ra lò, thật khó vì anh không có đóng đô ở một trung tâm nào hết, thế nên phải lật bìa sau các CD mệt nghỉ. ...


***

Mời bạn nghe sample nhạc Duy Cường:
Trang nhạc hòa tấu Duy Cường tại dactrung.net: http://dactrung.net/nhacnghe/casi.aspx?CaSiID=Qi4gC1akn%2fCtELo%2bve7y7Q%3d%3d


***

Bộ sưu tập CD Duy Cường: